Ý NGHĨA MÀU SẮC TRONG VĂN HOÁ TRUNG HOA

Chủ đề về màu sắc chắc chắn là một trong những chủ đề đầu tiên bạn sẽ tiếp xúc khi bắt đầu học một ngoại ngữ mới. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng mình sẽ tìm hiểu về những màu sắc (颜色, yánsè) quan trọng và nổi bật trong văn hoá Trung Hoa.

Văn hoá Trung Hoa truyền thống nói riêng và văn hoá Á Đông nói chung đề cao thuyết Ngũ hành (五行 – wǔxíng) đi cùng đó là 5 màu sắc cơ bản đại diện cho Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ.

5 màu đó lần lượt là Màu Trắng (Kim) – Màu Xanh (Mộc) – Màu Đen (Thuỷ) – Màu Đỏ (Hoả) – Màu Vàng (Thổ).

Biểu tượng màu sắc ứng với từng nguyên tố ngũ hành đã ăn sâu vào văn hoá Trung Quốc. Khổng Tử cho rằng tất cả các màu còn lại đều “trung cấp” và kém hơn 5 màu sắc trên.

Dưới đây là những màu sắc quan trọng nhất trong văn hoá người Trung Quốc cùng với ý nghĩa của chúng.

Công viên địa chất quốc gia Trương Dịch Cam Túc, Trung Quốc có màu sắc như Cầu vồng 7 màu

1. 红 [hóng] – Màu đỏ

Nếu nói Trung Quốc gắn liền với một màu sắc đại diện nào đó, chắc chắn chúng ta đều nghĩ tới màu đỏ đầu tiên. Bản thân màu đỏ cũng là một biểu tượng của văn hoá Trung Hoa bên cạnh rồng, ngọc hay lụa vậy. Không ai mà không biết đến đèn lồng đỏ của Trung Quốc đúng không nào?

Ngay từ những ngày học tiếng Trung đầu tiên, hẳn bạn đã phần nào hiểu sự quan trọng của màu đỏ trong văn hoá đất nước này. Bạn sẽ nhìn thấy màu đỏ ở khắp tất cả các lễ hội, các bộ môn nghệ thuật và các nghi lễ truyền thống.

Ở Trung Quốc, màu đỏ gắn liền với nguyên tố lửa và tượng trưng cho hạnh phúc, phúc lộc, thành công, may mắn. Một cách tổng thể, màu đỏ tượng trưng cho tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta mong muốn trong cuộc sống.

Màu đỏ xuất hiện hầu hết trong các dịp lễ tết ở Trung Quốc, nhất là vào dịp Tết.

Tương tự ngày Tết ở Việt Nam, bạn sẽ nhận được các bao lì xì đỏ may mắn – 红包(hóngbāo).

2. 黄 [huáng] – Màu vàng

Màu vàng – 黄色 [huángsè] – theo truyền thống là màu của hoàng gia ở Trung Quốc. Bởi vậy, đây cũng là một trong những màu đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa.

黄 còn đồng nghĩa với quyền lực tối cao, do đó màu sắc này được sử dụng để làm áo bào và trang phục của các vị hoàng đế. Trong thời trị vì của hai triều đại cuối cùng của Trung Quốc, nhà Minh và nhà Thanh, màu vàng trở nên có uy quyền đến mức nó là màu độc quyền của hoàng gia và thường dân bị cấm mặc các trang phục có màu này.

Như đã nhắc đến ở trên, màu vàng là đại diện cho nguyên tố Thổ. Bên cạnh đó, 黄 thậm chí còn mang tính biểu tượng gắn liền với lịch sử Trung Quốc – sông Hoàng Hà, nơi được xem là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa cổ đại.

Ngọc Hoàng Thượng đế cũng được xem là vị thần bầu trời tối cao, là chủ của vạn vật trong quan niệm tín ngưỡng Trung Hoa cổ đại. Mái của các cung điện trong Tử Cấm thành cũng đều mang màu vàng, rất dễ thấy đây chính là màu tượng trưng cho chủ quyền tối cao của hoàng đế.

Tử Cấm Thành

Tuy nhiên, tầm quan trọng của màu vàng không chỉ dừng lại đối với hoàng gia. Nó còn là màu chủ đạo trong Phật giáo, vì áo choàng của các nhà sư cũng được làm bằng vải màu vàng.

3. 绿 [lǜ] – Xanh lá cây

Màu xanh lá cây – 绿色 [lǜsè] – là một màu quan trọng khác trong văn hóa Trung Quốc, gắn liền với sự giàu có, thịnh vượng và hòa thuận.

Bạn có thể đã biết màu xanh lá cây là một trong những màu phổ biến nhất của ngọc bích – theo truyền thống là vật liệu chính trong điêu khắc Trung Quốc. Ngọc bích có nhiều màu sắc khác nhau, nhưng loại “ngọc bích hoàng gia” có giá trị nhất là có màu xanh lục bảo gần như trong suốt.

Ngày nay, màu xanh ở Trung Quốc cũng gắn liền với Xanh- Sạch và mang ý nghĩa thân thiện với môi trường, giống như ở các nước phương Tây.

Một điều thú vị khác là “đội mũ xanh” – 戴绿帽 (dàilǜmào) trong văn hóa Trung Quốc cũng là một ẩn dụ để việc bị cắm sừng. Do đó, màu xanh lá cây cũng có thể mang ý nghĩa tiêu cực tùy thuộc vào ngữ cảnh.

4. 白 [bái] – Màu trắng

Ở Trung Quốc, màu trắng – 白色 [báisè] – là màu của tang tóc, tương tự như màu đen ở phương Tây. Ở thời xưa, người Trung Quốc sẽ mặc quần áo trắng và đội mũ khi đi dự đám tang. Ngày nay, họ cũng có thể mặc áo sơ mi trắng khi dự tang lễ. Đây là lý do tại sao tốt hơn hết bạn nên tránh gói quà bằng giấy trắng.

Trong truyền thống Trung Quốc, màu trắng tương ứng với kim loại và cũng tượng trưng cho sự tinh khiết.

5. 黑 [hēi]– Màu đen

Màu đen – 黑色 [hēisè] – trong văn hoá Trung Quốc được coi là một màu trung tính, có liên quan đến sự ổn định và quyền lực.

Dù không liên quan đến đám tang như văn hoá Tây phương, người Trung Quốc vẫn cho rằng màu đen gắn liền với cái ác và sự hủy diệt; vì vậy bạn cũng không nên mặc đồ đen trong đám cưới. Mặt khác, Trung Quốc ngày nay vẫn giao thoa và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Tây hiện đại, khiến màu đen từ đó ngày càng gắn liền với sự sang trọng và trang trọng. Đơn cử, bạn có thể thấy dù nam hay nữ ở Trung Quốc đều mặc vest đen trong các sự kiện, hội nghị lớn.

Trong truyền thống Trung Quốc, màu đen đại diện cho nguyên tố nước chứ không phải màu xanh lam như nhiều người vẫn lầm tưởng.

6. Những màu sắc khác

Sau đây là ý nghĩa một số màu sắc khác trong văn hoá Trung Hoa bạn nên biết:

紫色 [zǐsè]- Màu tím: Trong khi người phương Tây cho rằng màu tím là màu của hoàng gia, sang trọng, tham vọng và quý tộc, thì ở Trung Quốc mọi thứ lại hoàn toàn khác. Màu tím ở Trung Quốc là biểu trưng cho tình yêu và sự lãng mạn.

橙色 [chéngsè] – Màu cam: vì nó tương tự như màu đỏ nên cũng có ý nghĩa tương tự. Cam, quýt cũng là những loại trái cây được ưa chuộng trong dịp Tết đến, xuân về.

粉红色, 粉色 [fěnhóngsè, fěnsè] – Màu hồng: tương tự như ở phương Tây, đây được xem là một màu biểu trưng cho sự lãng mạn và nữ tính. Tuy nhiên, vì màu hồng cũng gần với màu đỏ nên nó cũng phổ biến trong các lễ hội truyền thống và đôi khi có thể được dùng làm màu chủ đạo của các bao lì xì (红包).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button